Trải nghiệm 1 ngày thú vị tại Tả Phìn, Sapa

Tả Phìn lâu nay không chỉ nổi tiếng với thổ cẩm rực rỡ, mà còn được du khách biết đến bởi dịch vụ tắm thuốc của người Dao đỏ, các phong tục truyền thống độc đáo và nghệ thuật ẩm thực đặc sắc.

Tả Phìn ở đâu?

Xã Tả Phìn nép mình trong một thung lũng đẹp hoang sơ, kỳ vĩ, cách thị trấn Sa Pa khoảng 12km về phía Đông Bắc. Bản Tả Phìn gần dãy đá vôi, một nhánh của Hoàng Liên Sơn, cách trụ sở UBND xã Tả Phìn khoảng chừng 1km. 

Đi Tả Phìn bằng cách nào?

Nếu bạn xuất phát đi bản Tả Phìn từ trung tâm thị trấn Sapa thì bạn chỉ cần đi men theo tuyến đường quốc lộ 4D khoảng chừng 5km. Sau đó, tiếp tục rẽ trái tới cổng bán vé bản Tả Phìn. Tại đây, bạn mua vé tham quan để vào thăm bản. Từ đây, bạn muốn tới đầu bản phải đi thêm chặng đường khoảng 7km.

Dọc đường đi vào bản Tả Phìn, du khách sẽ đắm say trong khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, thanh bình của miền núi rừng Tây Bắc với những thửa ruộng bậc thang trải rộng trên khắp các sườn đồi, sườn núi. Xa xa là những dãy núi xanh mờ, lấp ló trong làn sương mù bảng lảng. Đó đây điểm xuyết những mái nhà sàn mái lá của người dân tộc, những nương ngô xanh mơn mởn. 

Nói để các bạn thấy khung cảnh thơ mộng thế thôi, chứ thực ra đường đi tới bản Tả Phìn cũng khá gập ghềnh, bạn phải vượt qua những con đường đèo dốc ngoằn nghèo khúc khuỷu, có lúc đường xóc tới mức nẩy cả mông luôn đó. Có những đoạn đường dốc và lại nhỏ chỉ đủ cho một xe đi, những xe đi ngược chiều thì phải nép sát vào vách núi để tránh nhau.

Vậy nên là Cuồng khuyên các bạn nếu muốn tham quan bản Tả Phìn thì hãy nhờ các chú xe ôm người bản địa chở từ trung tâm thị trấn Sapa tới tận nơi nha. Với các bạn muốn tự thuê xe để đi khám phá bản thì theo Cuồng đường đi khá khó khăn, còn dễ lạc đường nữa vì đường rất ngoằn nghèo. Nhưng với các bạn phượt thủ, cung đường nào cũng kinh qua, chặng đường nào cũng hoàn thành thì không xi-nhê gì rồi ha! Nếu bạn đi ô tô thì xe con hiện cũng đã vào được tới trung tâm xã Tả Phìn rồi. 

Đến Tả Phìn chơi gì?

Ruộng bậc thang

Ruộng bậc thang Tả Phìn

Cũng giống như bao bản khác của Sapa, đặc trưng canh tác đồng ruộng của người dân tộc ở bản Tả Phìn là ruộng bậc thang. Những thửa ruộng bậc thang cong cong uốn lượn trải ra trước tầm mắt Cuồng tựa như những dải lụa. Hôm Cuồng đến thăm bản Tả Phìn Sapa là đúng mùa bà con đổ nước vào ruộng. Hàng dãy ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp san sát nhau tựa như những dòng suối bạc, nước đầy ăm ắp, soi bóng mây trời cảnh quan. Đó đây là những người nông dân đang cần cù lao động.

Trước mắt Cuồng hiện ra khung cảnh lao động sinh hoạt rất khác mà chỉ núi rừng vùng Tây Bắc mới có, một không khí lao động hăng say xen lẫn cái yên bình tĩnh lặng trong cảnh vật và cái hào sảng bao la của núi rừng. Đứng trên sườn đồi nhìn xuống những thửa ruộng bậc thang trải dài xuống tận thung lũng, Cuồng như quên đi hết bao mệt mỏi của cuộc sống thường ngày, quên hết bao lo toan bộn bề, thật sự được đắm chìm trong thiên nhiên và tìm thấy sự thanh thảnh trong tâm hồn.

Hang động Tả Phìn

Hang động Tả Phìn

Những bạn nào thích đi khám phá hang động như tại Vịnh Hạ Long hoặc Tràng An thì Cuồng tin là bạn cũng sẽ rất thích thú khám phá hang động Tả Phìn đấy. Hang động Tả Phìn còn được người dân địa phương gọi là Ti Ổ Cẩm, thuộc vào một dãy núi cùng nhánh với Hoàng Liên Sơn. Hang động có chiều cao khoảng 5m, chiều rộng chừng 3m. 

Từ phía cửa hang xuống tới sâu lòng đất chỉ một người chui vừa, bạn phải đi thêm chừng 30m nữa. Càng đi xuống sâu, lòng hang như càng hẹp lại, hun hút. Cảm giác hơi ghê ghê sợ sợ nhưng nói thật là cũng đầy kích thích và đậm tính phiêu lưu đó, bạn sẽ không biết cái gì đang đợi mình ở phía trước cho tới khi bắt gặp những khối đá thạch nhũ siêu to khổng lồ với đủ các hình dạng khác nhau. Các vách đá hai bên có nhiểu hẻm và núi đi vòng vèo nhưng cuối cùng vẫn quay lại cửa hang lúc đầu. Du khách tham quan đi men theo đường của vách núi lớn, sẽ cảm nhận được đường đi lúc lên lúc xuống, chỗ vách núi dang rộng, chỗ lại hẹp chỉ có thể một người đi qua.

Đi theo đường của vách lớn, ta có cảm giác như xuyên lên vách núi, đường đi ngoằn ngoèo, khi lên lúc xuống, chỗ phình to, chỗ thì có tảng đá giống người thiếu phụ đang bồng con, chỗ lại giống các nàng tiên khoả thân đang tắm, chỗ giống mâm xôi khổng lồ, có chỗ giống như những dãy cột nhà trắng mịn buông từ trên nóc xuống, đan thành dãy “đăng ten” uốn lượn, nhấp nhô, long lanh màu ngọc bích. Hôm đó, Cuồng đã cùng các bạn rủ nhau khám phá hang động Tả Phìn này, cùng nhau dạo chơi trong động, ngước mắt lên ngắm nhìn những khối đá và tưởng tượng ra muôn hình vạn trạng khác nhau. Trải nghiệm ấy khiến Cuồng nhớ lại hồi bé hay ngẩng đầu lên ngắm nhìn mây bay trên trời và nhìn ra các đám mây mang đủ các hình dạng khác nhau vậy. Lâu lắm rồi mới được quay lại tuổi thơ như thế.

Vào trong động, bạn được nhìn thấy những nhũ đá rủ xuống đa dạng hình dáng mang tới những liên tưởng thật thú vị. Trong không gian mờ ảo, cầm đèn soi tìm những điều bí ẩn có trong hang là trải nghiệm khó quên. Những giọt nước thấm qua khe đá, vách núi từ hàng nghìn năm rồi chảy xuống, đọng trên các chóp nhũ đá rồi thánh thót nhỏ giọt. Trong không gian yên ắng của hang động, tiếng giọt nước nhỏ nghe âm vang thánh thót lạ lùng. 

Vào sâu bên trong hang, các bạn sẽ thấy một tảng đá lớn nằm hơi nghiêng, trên nền đá in hình những vết chân gà, ngay chóp đá bên phải còn hằn lên những vệt lõm hệt như móng chân ngựa. Vách đá đối diện có những dòng chữ Pháp được khắc bằng vật cứng, cho đến nay dù bị bụi thời gian phủ lên ta vẫn có thể đọc được. Cuồng thực sự nghĩ là hang động Tả Phìn mang những giá trị lịch sử, khảo cổ, nghiên cứu và giá trị du lịch to lớn, có nhiều tiềm năng khai thác trong tương lai.

Tu viện Tả Phìn

Tu viện cổ Tả Phìn

Tu viện Tả Phìn được xây dựng vào năm 1942. Đây là nơi dành cho các nữ tu theo đạo Kito giáo sinh hoạt trong suốt nhiều năm trước khi rời về Hà Nội năm 1945 do tình hình an ninh bất ổn. Từ đó tu viện bị bỏ hoang thành phế tích, nhưng do được xây dựng bằng đá ong vững chắc nên những bức tường, trụ cột vẫn còn tồn tại đến ngày nay và trở thành một điểm checkin vô cùng hot với giới trẻ.

Tu viện bao gồm một nhà ngang hướng mặt về phía tây, một cầu thang nhỏ và có một tầng hầm dưới lòng đất. Phía trước toà nhà là một hành lang rộng, dài đã cũ theo thời gian. Nhà ngang này chính là chỗ ở và nơi sinh hoạt của các nữ tu. Ngoài ra, bên phải của toà nhà là nơi cất giữ lương thực thực phẩm, đồ đạc, và là khu bếp của tu viện. Hiện nay toà tu viện này đã xuống cấp nghiêm trọng. Toàn bộ phần mái đã mất hết, chỉ sót lại những bức tường phủ rêu cổ kính. 

Sở dĩ nơi đây thu hút nhiều bạn trẻ đổ xô tới chụp ảnh checkin vì tu viện Tả Phìn gợi lên một cảm giác hoài cổ với những bức tường rêu phong cũ kỹ đi cùng năm tháng. Cảm giác chụp ảnh ở tu viện Tả Phìn mà như đang chụp ảnh ở một tòa nhà cổ ở phương Tây vậy đó, vì tu viện được xây dựng để phục vụ cho các nữ tu nên mang kiến trúc phương Tây mà. Tới đây tham quan, Cuồng đảm bảo bạn sẽ có những bức hình so deep trong khung cảnh nhuốm màu tịch dương xưa cũ này. Hôm đó dạo chơi ở tu viện Tả Phìn mà Cuồng lại bâng khuâng nhơ đến câu thơ ngày xưa đi học “Thềm cũ lâu đài bóng tịch dương”, thật là vô cùng hợp với phong cảnh đó.

Làng dệt thổ cẩm

Làng dệt thổ cẩm

Ðối với người dân tộc nơi đây, thổ cẩm không chỉ dùng để phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày mà còn mang một ý nghĩa thiêng liêng, là kỷ vật tình yêu hay của hồi môn trong ngày cưới. Đối với những tộc người H’Mông hay Dao ở đây, con gái là phải biết thêu thùa mới lấy chồng được. Nên từ nhỏ, các cô gái đã được dạy se lanh, dệt vải, thuê hoa… Thổ cẩm Tả Phìn còn được nhiều nơi trong cả nước đặt hàng để bán cho khách và xuất khẩu sang một số thị trường như Mỹ, Pháp, Ðan Mạch…

Làng nghề thổ cẩm Tả Phìn nổi tiếng với những sản phẩm đa dạng đầy sắc màu sặc sỡ trông thật bắt mắt. Những sản phẩm này hoàn toàn được làm nên từ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ người Dao và người Mông. Những đường nét hoa văn được tạo nên trên những sản phẩm đa dạng họa tiết như chim muông, hoa lá… mang sắc thái núi rừng gắn liền với đời sống sinh hoạt thường ngày của đồng bào. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy những món quà lưu niệm để khi về thành phố vẫn nhớ mãi tới phiên chợ vùng cao ở Sapa như những bộ trang phục dân tộc, những chiếc vòng tay bé xinh, những chiếc túi, chiếc khăn thổ cẩm…

Khi dạo chơi tham quan các nẻo đường trong bản Tả Phìn, bạn có thể dễ dàng bắt gặp các mẹ, các chị gái người dân tộc ung dung ngồi bên khung cửi dệt nên những tấm thổ cẩm với đôi bàn tay thoăn thoắt. Trước khung cảnh ấy, bạn cảm nhận sự bình yên biết bao giữa khung cảnh núi rừng. 

Đặc biệt, bản Tả Phìn ở Sapa còn nổi tiếng với nhiều làng nghề thủ công truyền thống khác. Ví dụ như nghề khảm bạc và nghề rèn đúc. Vì vậy, du khách có thể mua các sản phẩm trang sức bằng bạc độc đáo như vòng đeo tay, nhẫn, dây chuyền…

Làng nghề khảm bạc

Làng nghề khảm bạc Tả Phìn

Người Dao đỏ làng Tả Chải, bản Tả Phìn có nghề khảm bạc khá nổi tiếng. Các cư dân Mông, Tày, Thái thường mua dùng đồ khảm bạc – trang sức của người Dao đỏ. Nguyên liệu để làm đồ trang sức là các đồng tiền làm bằng bạc trắng. Công cụ làm đồ trang sức bằng bạc đa số từ lò nung, từ bễ thổi đến nồi nấu bạc, khuôn đúc và các dụng cụ chạm khắc hoa văn. Trong đời sống của những người Dao đỏ “giá trị” của các cô gái thể hiện ở các đồ trang sức bằng bạc.

Làng nghề rèn đúc

Làng nghề rèn đúc Tả Phìn

Đây là nghề thủ công vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay của người Dao đỏ, người Mông. Công đoạn sản xuất theo thủ công truyền thống, xây lò bằng đất, đốt lửa bằng than củi, cho sắt thép vào nung đỏ, một người kéo bễ, một người tán dập thành những vật dụng cần thiết phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.

Du lịch Tả Phìn ăn gì?

Du lịch Tả Phìn ăn gì?

Ở Bản Tả Phìn còn có những món ăn đặc sắc mang đậm hương vị truyền thống của người dân nơi đây như thịt lợn cắp nách kho, thịt gà bản xào sả, canh thịt lợn nấu măng và sấu. Tuy nhiên, một người bạn đi cùng với Cuồng có vẻ không hợp với đồ ăn của người dân tộc lắm. May là Cuồng thủ sẵn đồ ăn nhẹ mang theo nên không bị đói. Một số bạn khác từng đi du lịch bản Tả Phìn cũng nhận xét là đồ ăn ở đây khá đặc thù, không thực sự phù hợp với khẩu vị của đa số người Kinh lại không có nhiều lựa chọn nên các bạn có thể mang sẵn đồ ăn từ thị trấn Sapa lên để vẫn có bữa ăn no mà còn tiết kiệm một khoản kha khá nha!

Du lịch Tả Phìn ở đâu?

Cũng giống như nhiều bản làng khác ở Sapa như bản Cát Cát hay bản Tả Van, bản Tả Phìn hiện nay cũng xuất hiện một số homestay cho du khách nghỉ ngơi ngay tại khu trung tâm bản. Vnbooking xin giới thiệu với bạn một số homestay khá đầy đủ tiện nghi ở bản Tả Phìn. Đảm bảo bạn sẽ có những giấc ngủ ngon giữa núi rừng thiên nhiên nhé!

Sapa homestay Ta May

Nằm ngay ở sườn núi, homestay này có sân hiên và bể sục, xây dựng theo phong cách cổ điển của người Dao. Du khách có thể dùng bữa tại nhà hàng. Ngoài ra, bạn có thể tự nấu ăn ở khu bếp chung. Tại đây, du khách có thể dễ dàng di chuyển đến các địa điểm du lịch nổi tiếng như hồ Sapa, ga cáp treo Fanssipan Legend…

Ta Phin stone Garden Ecological

Khu nghỉ dưỡng này được xây dựng bao quanh bởi khung cảnh cây xanh tươi tốt. Đây là một chỗ nghỉ ngơi yên tĩnh, lý tưởng cho những ai muốn xua tan mọi mệt mỏi trong cuộc sống. Các phòng đều được thiết kế đơn giản, lát sàn gỗ, giá treo quần áo, màn chống muỗi và ban công nhìn ra quanh cảnh núi non thơ mộng. 

Thử tưởng tượng, một buổi sáng thức dậy, mở mắt ra xung quanh bạn không phải là những tòa nhà cao tầng san sát nhau nơi phố thị mà là vườn cây xanh lá, lắng tai nghe đâu đó tiếng chim hót, tiếng suối chảy, hít hà mùi hương đồng gió nội, còn gì sảng khoái hơn phải không nào!

1 ngày tại Tả Phìn

Du khách đến đây ai ai cũng tò mò muốn tìm hiểu bài thuốc tắm của người Dao đỏ làng Tả Phìn khác với người Dao đỏ ở làng khác như thế nào?

Được biết người dân ở đây thường chỉ dùng hơn chục cây thuốc quan trọng nhất cho mỗi nồi thuốc tắm. Lá có thể được hái ở vườn hoặc ở rừng, và cả bản chỉ có hơn chục người biết cách nhặt thuốc. Bài tắm lá thuốc này ngoài yếu tố cấu thành bản sắc văn hóa cùa người Dao, nó còn có khá nhiều công dụng để chữa các bệnh đau nhức cơ, xương, khớp, người lao động nặng nhọc, mệt mỏi, sau khi tắm thấy cơ thể nhẹ nhõm, tinh thần sảng khoái, sức khoẻ được hồi phục… Nếu có dịp đến đây bạn nhớ tắm thử một lần nhé!

Sau khi cùng người dân lên rừng lấy thuốc và chuẩn bị thuốc tắm, du khách tiếp tục được học cách làm vải thổ cẩm, thêu hoa văn theo quy trình truyền thống dân tộc của người Dao đỏ. Bằng các nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên như sợi bông, sợi lanh, lá trầu, củ nghệ, củ nâu, chàm… cùng với bàn tay khéo léo và óc thẩm mỹ tinh tế của người phụ nữ Dao, họ đã tạo nên những sản phẩm bắt mắt như túi xách, nón, tranh, khăn… đủ màu sắc, hoa văn mang đậm giá trị bản sắc dân tộc.

Mỗi du khách sẽ được tận tay cầm kim, xoắn chỉ và đếm sợi. Ban đầu học thêu đường thẳng trước, sau đó mới học thêu đường móc và thêu các hoa văn đơn giản, thường bắt đầu bằng việc thêu những hoa văn ở tay áo, gấu quần. Nhiều du khách không giấu được sự thích thú khi tự tay thể hiện được những hình ảnh của thiên nhiên như cỏ cây, hoa lá hay ong bướm, chim chóc… qua những đường chỉ của mình. Dù còn thô sơ nhưng mỗi tấm vải được một bàn tay dệt nên đều mang một dấu ấn cá nhân rõ rệt.

Ngoài tham gia đi rừng lấy thuốc, học cách làm thổ cẩm, thêu hoa văn, du khách còn được khám phá ngôi nhà và phong tục truyền thống của dân tộc Dao, được cầm cày làm nông dân 1 ngày, được điều khiển trâu cày trên những thửa ruộng bậc thang ngút ngàn. Và khi trở về bản, du khách cùng làm những bữa ăn truyền thống và thưởng thức ẩm thực dân tộc tại Tả Phìn. 

0888931698